Lượt xem: 708

Nông dân Trần Văn Cư với sản phẩm Gạo sữa An Cư

Khoảng 3 năm nay, trên thị trường gạo và tại các hội chợ xúc tiến tỉnh Sóc Trăng xuất hiện một loại gạo có màu trắng đục như sữa, được khách hàng ưa chuộng. Loại gạo ấy có tên gọi là Gạo sữa An Cư và chủ nhân của loại gạo độc đáo này chính là nông dân Trần Văn Cư ở xã Tân Long, thị xã Ngã Năm.

 


Nông dân Trần Văn Cư kiểm tra sản phẩm gạo sữa đã qua xây xát. Ảnh Phương Anh

 

    Theo ông Trần Văn Cư – người chế biến ra loại gạo này cho biết: “Gạo là sản phẩm chủ lực của tỉnh Sóc Trăng nói riêng, nền nông nghiệp Việt Nam nói chung nhưng giá trị và hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn. Do vậy, việc nâng cao giá trị cho hạt gạo bằng cách ứng dụng những công nghệ mới sau thu hoạch sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp và nâng cao đời sống người nông dân”. Chính từ nhận thức đó, trong quá trình xay xát lúa gạo ông đã nghiên cứu những công nghệ mới trong đó có việc cho ra đời sản phẩm Gạo sữa An Cư. Gạo sữa không phải tên một giống lúa mà là trong quá trình sấy ở ẩm độ thấp (dưới 12%) hạt gạo xay ra có màu đục như sữa, khi nấu lên có mùi thơm, cơm mềm dẻo, ăn có vị ngọt nhẹ và đặc biệt chỉ có giống lúa OM4900 mới sấy ra được loại gạo này. Để làm ra hạt gạo sữa đạt chất lượng, trước tiên đòi hỏi lúa khi còn ở ngoài đồng phải có độ chín vừa phải, sau thu hoạch đem đi sấy từ 45 - 48 giờ với nhiệt độ thấp hơn so với sấy lúa thông thường. Lúa sấy xong ủ lại 24 tiếng đồng hồ mới đem đi xay xát thành gạo, tất cả các công đoạn phải đòi hỏi đúng quy trình. Lúa thu hoạch đúng độ chín sẽ giúp tăng tỷ lệ thu hồi gạo, đồng thời lúc sấy hạt gạo sẽ không bị gãy, giữ độ nguyên vẹn hạt gạo lên đến 97%, nấu chín sẽ mềm dẻo.

    Khi mới bắt tay vào làm gạo sữa, ông Cư chỉ mua lúa của nông dân trồng bình thường, rồi sấy và bán gạo thành phẩm. Sau vài tấn gạo được thị trường đón nhận với giá từ 16-18 ngàn đồng/kg, ông suy nghĩ phải nâng tầm giá trị hạt gạo này để phát triển bền vững và khuyến khích nông dân trồng lúa theo quy trình kỹ thuật an toàn. Hiện nay sản phẩm Gạo sữa An Cư đã đạt chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh.

    Sinh sống tại một vùng nguyên liệu lúa gạo trù phú Ngã Năm, thế nhưng ông Trần Văn Cư không theo nghề trồng lúa của gia đình mà lại chọn khởi nghiệp từ con đường chế biến gạo. Những năm 2000, ông xây dựng nhà máy xay xát gạo nhỏ cho bà con nông dân trong xã. Đến năm 2010, ông tiếp tục đầu tư cho nhà máy hiện đại hơn. Từ khi nhà máy đi vào hoạt động, làm ăn có hiệu quả, hoạt động xay xát lúa gạo nhộn nhịp hẳn. Mỗi năm, sau khi trừ các chi phí, gia đình ông thu về hơn 1 tỷ đồng.

    Vừa làm công việc xay xát lúa gạo, ông Cư còn nghiên cứu công nghệ chế biến sau thu hoạch như làm thế nào tạo ra hạt gạo đều, không gãy, có độ bóng đẹp, thời gian bảo quản được lâu... Từ những mục tiêu đó mà ông đã tìm tòi, học hỏi và tự mình chế tạo những hệ thống như tháp sấy, tĩnh vỉ ngang hệ thống sấy tạo ra gạo sữa hay xây dựng trạm bơm nước vừa tiết kiệm điện vừa giảm thời gian bơm tưới… Những việc này đòi hỏi người làm phải có kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ cao trong khi người nông dân này mới tốt nghiệp THPT.

    Ngoài việc tạo ra sản phẩm mang thương hiệu của địa phương là Gạo sữa An Cư, cơ sở xay xát lúa gạo của ông Cư còn tạo công ăn, việc làm ổn định cho gần 20 lao động phổ thông, có thu nhập ổn định từ 5-7 triệu đồng/tháng. Ông cũng rất tích cực tham gia phong trào do Hội Nông dân phát động, nhất là Phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”…. Nhiều năm liền ông được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương và vinh dự được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

    Hơn 20 năm miệt mài theo đuổi con đường chế biến lúa gạo sau thu hoạch, thành quả hôm nay của nông dân Trần Văn Cư đã được ghi nhận. Một hệ thống sấy có vài chục doanh nghiệp lớn nhỏ; gia công lúa gạo cho thị trường trong nước và xuất khẩu mỗi năm; một sản phẩm gạo sữa được thị trường đón nhận và tiềm năng còn rất lớn… Điều đó cho thấy hướng đi và tầm nhìn của nông dân thời diện đại - dám nghĩ, dám làm, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.

Phương Anh



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 64
  • Hôm nay: 3553
  • Trong tuần: 72,886
  • Tất cả: 11,866,913